Tư vấn thổi phồng công dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Hiện nay, trên thị trường tình trạng quảng cáo sai phạm TPBVSK đang diễn ra tràn lan trên các mạng xã hội. Các cơ quan có thẩm quyền thậm chí không xác định được người quảng cáo, không có căn cứ để xử lý hoặc không thể xử lý được.

Sản phẩm bảo vệ sức khỏe không tiến hành đăng ký công bố gây hại cho sức khỏe

Xuất hiện 5 trường hợp tử vong và hơn 110 người nhập viện do nghi ngờ liên quan đến sản phẩm bổ sung men gạo đỏ mang tên “beni-koji choleste help” của Công ty Dược phẩm Kobayashi tại Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: đơn vị chưa cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm TPBVSK của Công ty Dược phẩm Kobayashi, bao gồm Beni-koji choleste-help; Naishi-help plus cholesterol; Natto-kinase sarasara-tsubu gold và Kobayashi Nashi Help 30.

Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo và khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có thông tin như đã nêu trên. Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm này vẫn được bán trên thị trường, đề nghị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Tìm mọi cách ngăn chặn

TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, việc quảng cáo, bán sản phẩm bảo vệ sức khỏe trực tuyến, qua điện thoại cho người tiêu dùng đang trở nên rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức này để tư vấn, thổi phồng công dụng sản phẩm không đúng quy định của pháp luật.

Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không rõ nguồn gốc để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đáp ứng như quảng cáo.

Hơn nữa, việc giả mạo danh tiếng của các giáo sư, bác sĩ, nhà lãnh đạo bệnh viện có uy tín, thậm chí giả mạo cả thầy thuốc và bệnh nhân để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang xuất hiện chủ yếu trên các mạng xã hội. Điều này không chỉ là vi phạm về an toàn thực phẩm, mà còn là hành vi lừa đảo.

“Nhiều người mua đã chi số tiền lớn để mua sản phẩm, có những người tiêu dùng phải mượn tiền mua, vì số tiền vượt quá khả năng tài chính của mình. Ngoài những tổn thất về mặt kinh tế, thì còn gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng đó là vấn đề vô cùng nguy hiểm”, TS Trần Việt Nga nhấn mạnh.

Với những nguy hại đã nêu, theo TS Trần Việt Nga, Cục An toàn thực phẩm đã tích cực hợp tác với các cơ quan liên quan như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn việc giả mạo này.

Ngoài ra, Bộ Y tế tổ chức các hội thảo trực tuyến, các buổi làm việc giữa Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn quảng cáo giả mạo, đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý.

Hơn nữa, Cục An toàn thực phẩm còn hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương để kiểm soát các trang web thương mại điện tử và yêu cầu gỡ bỏ các trang web vi phạm quy định. 

Bộ Y tế cũng đưa ra cảnh báo đối với người tiêu dùng cần lưu ý trước khi mua và sử dụng sản phẩm TPBVSK như sau: Tra cứu thông tin về công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định mua sản phẩm phải được cung cấp hóa đơn/đơn hàng từ người bán để có bằng chứng mua bán giữa hai bên.

Trả lời